Đặng Văn Nhâm |
HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI
Thói đời, khi muốn chiêm bái một bậc thánh nhân phi phàm, người ta thường chờ đến ngày kỵ húy hay sinh nhật, để kéo nhau đến điạ điểm, chỗ bậc vĩ nhân ấy đã ra đời hay đã từ trần để hành hương. Theo tôi, cả hai nơi ấy đều không nói lên một điều gì quan trọng, và cũng chẳng dạy cho ta được một bài học giá trị nào về đức tính, tài năng hay trí lực cuả bậc thánh nhân mà ta đã tôn thờ, và nhân loại cả thế giới đều nghiêng mình bái phục. Lắm kẻ còn u mê, đần độn, hơn nữa, kéo nhau đi xem món “xá lợi ” cuả bậc danh nhân. Chưa kể món xá lợi kia biết đâu chừng chẳng là một khúc xương chó do bọn lưu manh giả mạo để lừa gạt những tín đồ mù quáng. Ví như nếu món xá lợi ấy quả là một đốt xương ngón chân thực cuả bậc thánh nhân đã lưu lạc vất vưởng hơn mấy ngàn năm nay, thì liệu cái món đó có ý nghiã gì với cuộc sống vật chất và trí tuệ hằng ngày cuả con người hay không? Nó có nói lên cho ta một bài học tinh thần giá trị nào cho cuộc sống làm người hay không?
Theo tôi, tất cả chỉ là một con số không to tướng, rỗng tuếch, vô tích sự!
Vì quan niệm chắc nịch, không sợ sai lầm chút nào như thế nên trong suốt cuộc đời, tôi chưa hề một lần đặt chân đến những nơi gọi là “ thánh điạ”, đánh dấu chỗ ra đời và chết đi cuả một bậc thánh nhân nào cuả nhân loại như: Phật Thích Ca, Khổng Tử , Lão Tử, Jésus Christ, Mohamet, Socrate, Platon, Diogène, Hippocrate v.v...Nhưng tôi lại rất say mê nghiền ngẫm, học hỏi tư tưởng cuả những vị này để tìm hiểu vì sao mà trải qua hàng ngàn năm nhân loại vẫn còn tôn sùng những vị ấy.
Nơi đây tôi không bàn đến các ông Thích Ca, Chuá Jésus, và Mohamet, vì các vị này đã bị khoác lên người chiếc áo tôn giáo, nhuốm mùi tín ngưỡng, trong khi tôi là kẻ “vô tín ngưỡng”, đề cập đến, dù với tất cả thiện ý, vẫn dễ dàng bị người đời hiểu lầm, gán cho các thứ tội danh không tưởng, rất khó sống. Vả chăng, trong cuộc sống thực tế hằng ngày, lúc nào tôi cũng luôn luôn cảm thấy gần gũi, thân mật với các vị thánh triết nhiều hơn. Tuy tôi đã từng đặt chân đến thủ đô Athène cuả Hy Lạp nhiều lần, nhưng chỉ với tư cách một kẻ lãng du, ngoạn cảnh, chớ không hể tìm tòi dấu vết cuả Socrate. Tôi vẫn biết bậc vĩ nhân này đã ra đời nơi đây từ thế kỷ thứ V trước TC, và cuộc sống cùng với những hành động và lời rao giảng cuả ông vẫn còn luôn luôn vang dội trong tôi giưã không gian bao la và thời gian vô tận.
Hơn thế nữa, tôi còn chưa từng đặt chân đến Sinope, nơi thánh triết Diogène đã ra đời vào khoảng cuối thế kỷ thứ IV sau TC, mặc dù tôi đã từng phiêu du hàng mấy tháng trời lanh quanh bên bờ Hắc Hải, thuộc xứ U Khan (Ukraine). Từ hải cảng Odessa cuả U Khan, chiều chiều ngồi trên bong chiếc du thuyền Lenine, phóng tầm mắt nhìn qua bờ bên kia cuả biển Hắc Hải, tôi đủ sức hình dung ra hải cảng Sinop, nay thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Trong suốt quãng thời gian dài dặc, nhàn hạ ấy, thực sự lòng tôi không hề bao giờ nghĩ đến chuyện tới đó để hành hương Diogène, bậc thánh triết mà tôi hằng ngưỡng mộ. Bởi tôi nghĩ rằng, dù bất cứ cách nào, không bao giờ Diogène, một thánh triết có tư tưởng thông tục, bất chấp khuôn phép đạo lý (cynique), và sống theo đường lối hoàn toàn tự do, phi chính phủ (libertaire) lại chấp nhận cho tôi làm một cuộc hành hương có tính cách màu mè, gỉa dối như thế. Bởi vậy, cho đến nay tôi vẫn không hề tiếc rẻ hay hối hận tí gì về chuyện đã không đến hải cảng Sinop.
THỰC HIỆN GIÁO THUYẾT” KHẮC KỶ, DIỆT DỤC”
NGAY TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY
Mặt khác, tôi cũng thừa biết, thuở sinh thời Diogène đã từng sống trong một chiếc thùng tôn nô (tonneau) trong thành phố Corinthe, nhưng tôi vẫn không muốn tìm đến địa danh này, nơi đã từng ghi đậm di tích chiếc thùng, mà Diogène đã từng dùng làm nơi trú ngụ. Ban ngày để trốn nắng, ban đêm để ngủ. Thời bấy giờ, người ta đã coi Diogène như một triết gia vô đạo đức “vô gia cư” (homeless, vagabond, hay đúng như từ ngữ ngày nay người Pháp gọi là: sans domicile fixe, viết tắt: SDF).
Riêng triết gia đương thời Platon lại còn gọi Diogène là một ”Socrate ngông cuồng!”.
Theo tôi, Platon nhận xét không sai. Nhưng, dường như Diogène đã chủ tâm dùng các hành động quái dị, ngông cuồng cuả mình để làm nhưng bài học răn đời, dạy người. Hơn thế nữa, tôi còn nhận thấy Diogène là một nhà “truy tầm sự thật”. Bởi vì tất cả những gì ông đã nói và làm đều nhắm mục đích soi sáng và khắc hoạ rõ nét đặc tính cụ thể cuả cụm từ “ làm người”! Nói cách khác, những lời nói và hành động hằng ngày cuả Diogène đã phản ánh trung thực bản chất rất thích hợp với tư tưởng cuả ông. Điều này, tìm trong các sách nghiên cứu triết học, viết về Diogène (thí dụ đơn cử như: Vies, Doctrines et Sentences des philosophes illustres) không ai có thể phủ nhận gì được!
Tìm trong kho tàng giai thoại về Diogène, tôi thấy vô số, nhưng chỉ kể ra đây một vài chuyện nổi bật, có tính cách tiêu biểu nhất mà thôi:
Giai thoại thứ nhất xảy ra gần quảng trường thành phố Corinthe, nơi mà Diogène thường hay nằm dật dựa, vật vờ trong chiếc thùng tôn nô dưới nắng. Lúc bấy giờ Đại Đế Alexandre le Grand - vưà chiếm xong Athenes - đã đến viếng vị thánh triết và hỏi xem ông có cần giúp đỡ gì không. Diogène đã lạnh lùng trả lời cộc lốc:” Hãy vất bỏ mặt trời cuả ta đi!”
Giai thoại thứ nhì kể chuyện một hôm, vào lúc giữa trưa, dưới ánh mặt trời sáng choang, Diogène tay cầm cái lồng đèn, hớt hải chạy quanh quảng trường ở Corinthe. Quần chúng qua lại thấy vậy, ngạc nhiên hỏi: ” Ông đang làm cái gì vậy?”
Diogène trả lời gọn: ”Ta tìm một người!”
Câu trả lời này thuộc loại “ý tại ngôn ngoại”. Hiển nhiên không phải Diogène muốn kiếm “một kẻ nào đó”. Thực sự, ông muốn nói:” Tôi tìm một con người đích thực, một người xứng đáng với tên NGƯỜI, thông đạt, có lương tâm và trách nhiệm, không thuộc loại nô lệ, một con cừu hay một quả cà chua dưới dạng người”.
Đằng sau những ý tưởng ngông cuồng và kỳ dị ấy, người ta - nếu chịu động não suy tư - sẽ nhận ra được một phương pháp, một nguyên tắc sống kể cả một phép tu khổ hạnh rất cụ thể và khắc nghiệt. Trong sự truy lùng con người đích thực- xứng đáng với danh từ NGƯỜI (viết hoa đàng hoàng) – thánh triết Diogène đã vượt xa hơn tất cả các vị hiền triết đương thời, bởi vì ông đã thực hiện sự tìm kiếm ấy ngay trong“ con người” cuả chính ông, với sự khước từ hay chọn lọc từng hành vi trong cuộc sống hằng ngày.
Để giúp bạn đọc, chưa một lần làm quen với thánh triết Diogène, song vẫn có thể dễ dàng đón nhận được tư tưởng cuả ông, tôi mạn phép tóm lược ngắn gọn giáo thuyết Diogène trong 4 giáo điều cơ bản sau đây:
1.- Biết thích ứng tùy theo mọi cảnh ngộ, thay vì muốn sửa đổi cảnh ngộ.
2.- Luôn luôn trông cậy vào chính ta, nếu có thể được, chứ đừng cầu cứu kẻ khác để giải quyết các vấn đề riêng cuả ta.
3.- Có khả năng suy tư và tác động, nếu cần phải phản ứng trái thông lệ.
4.- Nên biết rằng cuộc đời này không có một mục đích hay một lý do nào khác hơn là phải thực hiện cho kỳ được nghĩa vụ làm NGƯỜI!
Để yểm trợ và biện giải cho 4 nguyên tắc sống cao thượng, thánh thiện nêu trên, Diogène đã tạo ra các giai thoại linh hoạt rất thích thú sau đây:
THÍCH NGHI VỚI HOÀN CẢNH
Một hôm, Diogène đã không thể nào kiếm được một chỗ ngả lưng qua đêm. Bỗng ông bắt gặp một chiếc thùng tôn nô trống rỗng, ông liền chui vào đó ngủ rồi từ đó chọn luôn chiếc thùng ấy làm nơi cư trú. Bạn bè và học trò cuả ông ai cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi thấy ông sống như thế. Ông đã giải thích với họ rằng đó là một nơi cư trú lý tưởng, vì ông có thể đem nó theo đến bất cứ đâu ông thích, thay vì ông phải định cư một chỗ như mọi người khác.
XẢ BỎ MỌI THỨ KHÔNG CẦN THIẾT
Suốt đời Diogène chỉ đem theo độc nhất một món cần thiết là một cái đĩa sâu bằng gỗ để ăn và uống. Nhưng một hôm, đến một vòi nước công cộng, ông trông thấy một đứa bé đang bụm hai tay hứng nước vào lòng bàn tay để uống. Lập tức ông vất ngay cái điã cuả mình đi, và kêu to lên rằng đưá bé ấy quả thực đã tiến bộ hơn ông trong cuộc sống triết nhân!
TRÔNG CẬY NƠI TA
Nể lời yêu cầu cuả bằng hữu và các đệ tử, Diogène đã phải chấp nhận một người nô lệ để giúp đỡ hằng ngày. Người nô lệ tên Manès. Một hôm tên nô lệ này trốn mất, nhưng Diogène vẫn thản nhiên, không hề có ý tìm kiếm gì hết. Tất cả bạn bè và đệ tử đều tỏ ra rất ngạc nhiên về chuyện đó. Ông đã trả lời họ như sau:
- “Tại sao?... Manès có thể sống không cần đến Diogène. Như vậy lẽ nào Diogène lại không thể sống chẳng cần đến Manès? Kể từ khi hắn trốn đi, chính ta là người đã được trả lại tự do!”
Trên bình diện khác cuả cuộc sống, có tính cách hoàn toàn riêng tư và thầm kín nhất cuả mỗi cá nhân, người đương thời được biết: mỗi khi nhu cầu sinh lý đòi hỏi thúc bách, bị động nứng chịu không nổi, Diogène vẫn không cần đến đàn bà, cứ dùng tay để thủ dâm (masturbation) là xong!
SUY TƯỞNG VÀ SỐNG NGƯỢC ĐỜI
Không mấy khi Diogène đi coi ca kịch. Nhưng mỗi lần đến rạp hát, không bao giờ ông chịu vào cửa bằng “lối vào”, mà cứ đi giật lùi vào bằng “lối ra”. Hành động này đã khiến có lần thiên hạ chế nhạo ông, Diogène liền trả lời :” Các người không hiểu rằng ta đã cố gắng làm như thế trong suốt cuộc đời của ta sao?”
Ngoài các giai thoại nêu trên, ta thấy Diogène còn là người có biệt tài khám phá ra những giáo điểm mơ hồ, hỗn độn cuả các triết gia thân hữu đồng thời. Nhưng, sự phê bình thẳng thắn của ông, vẫn dùng hành động cụ thể , tuy rất thấm thiá, song không kém phần nhã độ và hóm hỉnh, thí dụ như trường hợp ông công kích Platon sau đây:
Một hôm, triết gia Platon đang dạy học trò, đã định nghĩa con người như một con vật hai chân không có lông. Lập tức Diogène bắt ngay một con gà trống còn sống , vặt trụi lông, đem thả vào giữa đám đệ tử đang ngồi nghe giảng chung quanh Platon, rồi la to lên:” Đó là con người cuả Platon đấy!”
Vâng, xuyên qua thí dụ cụ thể về “con người” cuả Diogène vừa kể trên, ta dễ dàng nhận ra tư tưởng căn bản cuả Diogène, cho rằng con người chẳng qua chỉ là một sinh vật bất toàn, bất đạt, phù phiếm, yếu đuối và lăng nhăng, không có khả năng điều khiển được dục vọng, không có nghị lực để phế bỏ mọi nhu cầu, tóm lại không thể cải thiện được!
SO SÁNH THÍCH CA VÀ DIOGÈNE
Xét trên tất cả những giai thoại về các hành động nghịch lý, và những tư tưởng phi thường của Diogène, tôi nhận ra được mấy đặc điểm sau đây trong giáo thuyết của ông:
- Giáo thuyết và hành động diệt dục cuả Diogène rất cụ thể, luôn luôn hợp nhất và có tính cách đồng điệu.
- Đáng qúi nhất là sự trung thực tuyệt đối. Hoàn toàn ngược lại với câu tiêu ngôn cuả các giới giáo dục ngày nay:” Hãy làm những gì ta nói, đừng làm theo những gì ta làm!” . Đây là một câu tiêu ngôn trơ trẽn biểu dương công khai thói đạo đức giả, ngôn hành bất nhất, cuả một số người hướng dẫn tinh thần, giáo dục các thế hệ trẻ!
Chỉ nội bấy nhiêu trên, thiết tưởng chúng ta cũng đã có được một số yếu tố cần thiết, quan yếu để so sánh Diogène với Thích Ca. Cả hai bậc vĩ nhân này đều chủ trương xả bỏ mọi dục vọng, mọi nhu cầu vật chất trong cuộc đời để đạt được sự an lạc trong tâm hồn. Cả hai vị đều đã thực nghiệm giáo thuyết cuả mình trước khi đem ra truyền bá trong quần chúng. Nhưng kể từ việc thực nghiệm của bản thân, ta thấy giữa Thích Ca và Diogène đã diễn ra nhiều khác biệt quan trọng:
Về phần Thích Ca, là một hoàng tử, sinh trưởng trong cung điện, kín cổng cao tường, sống cuộc đời xa hoa, cung phi mỹ nữ đông đầy, và có vợ đẹp con khôn. Khi đã ý thức được nguyên nhân khổ đau: sinh, lão, bệnh, tử của kiếp người phù du, ông mới vào rừng sống cuộc đời tu hành khổ hạnh, diệt dục...cho đến khi tự giác ngộ. Sau đó ông đi khắp nơi để truyền bá giáo lý và thu thập đệ tử. Thích Ca chủ trương: người tu hành phải buông xả tất cả mọi nhu cầu không cần thiết, chỉ cần có tứ vật dụng: y phục, chỗ ở, thuốc men, vật thực. Giáo lý cuả Phật đã lên đến 4 vạn tám ngàn pháp môn. Kinh điển rậm rịt như rừng cổ sơ. Trong đó chứa nhiều giáo thuyết quá mức thâm sâu ảo diệu, đến mức gần như huyễn hoặc, (t.d: thuyết bất nhị / non deux, non dualisme) khiến từ xưa đến nay đại đa số đệ tử của Thích Ca vẫn không sao thông suốt được, chớ đừng nói gì đến việc hành trì nghiêm túc để mong đạt ngộ. Còn những kẻ khóac áo cà sa ngày nay, hay bọn giặc trọc VN ở hải ngọai, xét ra càng xa rời giáo thuyết của Như Lai tệ hại hơn nữa!
Ngược lại, một cách hết sức đơn giản và cụ thể, thánh triết Diogène đã dùng chính bản thân mình và các hành động trong cuộc sống hằng ngày của mình làm giáo cụ, để dạy đời và răn người. Những bài học cuả Diogène hoàn toàn không có tính chất lý thuyết trừu tượng xa vời, chỉ gồm các điểm chính yếu sau đây:
- Coi rẻ sự học vấn, danh vọng , tiền của.
- Tiêu diệt mọi dục vọng.
- Vứt bỏ hết mọi nhu cầu vật chất không cần thiết.
- Sống theo thiên nhiên.
Với 4 điểm trên đây, ta nhận ra, có thể Diogène đã là một “Thiền Giả” (đích thực, chớ không phải thứ Thiền sư giả mạo, như Nhất Hạnh!) mà tự thân ông không biết. Trong các giai thoại cuả Diogène đã có những Thiền thoại mà từ trên hai ngàn năm nay đã không mấy ai chú ý đến. Xin chứng minh bằng một thí dụ sau đây:
- Một hôm, vào lúc giữa trưa, theo thường lệ ông đứng giữa quảng trường đông người qua lại. Bỗng thình lình ông kêu to lên:”Mau lên! Các người hãy lại đây! Ta cần kiếm các người!”.
Lập tức nhiểu người tò mò đã vội vã chạy đến đứng đông đảo chung quanh ông. Lúc bấy giờ ông mới la toáng lên:” Ta nói , ta cần kiếm con người, chớ đâu phải thứ nô lệ!”...
Hoan hô Diogène, một thánh triết Khuyển Nho, một Diogène đôi khi đã từng tự gọi mình là “chó”. Vì ông rất thích “cắn” người ta, như chó. Xin hiểu theo kiểu “ý tại ngôn ngoại”, theo lối nói ẩn dụ!
Vâng, đọc Diogène, tự nhiên tôi cảm thấy rất mến phục ông, giáo thuyết của ông không cầu kỳ, không vẽ vời bác học. Suốt cuộc đời ông đã tận tụy hy sinh, dùng ngay cuộc sống thực tế trần trụi hằng ngày để làm gương, làm bài học cụ thể cho người đời. Tuy nhiên, mãi cho đến nay đã mấy ai hiểu được câu nói ngắn gọn, nhưng ý nghĩa vô cùng thâm thúy sau đây của ông:”Không, người ta không sinh ra là người, mà trở nên người!”( Non, on ne nait pas homme, on le devient!).
Chỉ đơn giản có thế thôi, chẳng cần thiên kinh vạn quyển gì hết, nhưng trên hai ngàn năm nay, ta thấy có kẻ nào dám dấn thân vào con đường tu thân, theo giáo thuyết cuả Diogène đâu. Vì thế, nếu ngày nay được tái sinh, chắc thánh triết Diogène vẫn còn phải tiếp tục đốt đuốc đi giữa ban ngày, dưới trưa nắng chang chang, để tìm một “con người”!
Riêng tôi, hiện nay, tôi vẫn cảm thấy tôi chẳng khác nào một “con gà đã bị vặt trụi lông”. Đôi khi soi gương tôi còn chợt thấy mình giống “con chó Diogène”. Nhưng tôi vẫn ao ước, đến một ngày nào đó trong tương lai, nếu tôi được trở nên “NGƯỜI”, thì chính là nhờ công ơn của Diogène!...
Khi đó chắc tôi đã vứt bỏ tất cả mọi thứ lỉnh kỉnh, phù phiếm cuả cuộc đời, không chức tước, không danh vị nọ kia, và nhất là dám bắt chước bậc thánh triết siêu nhân Diogène, chui vào sống trong cái thùng tôn nô, chẳng cần biết chiếc thùng ấy phải ở giữa quảng trường cuả thành phố Corinthe, giữa khu chợ Bolsa, ở Cali. hay giữa thủ đô Hoa Thịnh Đốn, mà ở bất cứ nơi nào trên mặt đất!
#
ĐẶNG VĂN NHÂM
kính thưa nhà văn ! tôi mới chỉ đọc một lần bài này thôi nhưng đã hiểu ra rằng ngài chưa hiểu gì về ĐẠO PHẬT cả , thế chả trách rằng ngài bị phạt , cũng phải thôi . lành thay ông đọc được những dòng này ,chắc ông sẽ ngộ ra cái ông DIOGENE mà ông ngưỡng mộ ấy chỉ có 1 phần nghìn là đúng thôi , còn đạo phật là đạo của con người , đạo của người có trí tuệ sống không làm khổ mình , không làm khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh , là đạo giải khổ quần sanh và đi đến chấm dứt tái sanh luân hồi , nếu ai đó không biết gì về phật tổ NHƯ LAI thì đừng viết vì không biết , không hiểu mà viết là phỉ báng PHẬT tội đọa địa ngục đấy ạ ! nếu đủ duyên mời ông vào trang : chonlac.org , hay nguyenthuychonnhu.net, hoặc;GIOTNANGCHONNHU. mà tự tìm hiểu thì quả là có phúc lớn đấy ạ , tôi thấy rất nhiều người mang danh ông nọ bà kia mà thực chất rỗng tếch chẳng có gì . nếu không biết : tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên , vô thường , bát chánh đạo , tứ chánh cần , tứ niệm xứ . thì sống cũng uổng phí một kiếp người mà thôi . xin ông hoan hỷ đọc nhé , nếu đủ duyên lành sẽ có ngày hội nghộ ạ!
Trả lờiXóa- Sau 8 năm (19:08 12thang 6.2014 ) 9:53 -03-12-2022..
Trả lờiXóaTôi đọc được bài của TG: Đặng Văn Nhâm. "SO SÁNH THÁNH TRIẾT HY LẠP DIOGÈNE VÀ PHẬT TỔ NHƯ LAI : ĐÔNG TÂY GẶP NHAU QUA CHỦ THUYẾT ‘‘ DIỆT DỤC” !
- " kính thưa nhà văn ! tôi mới chỉ đọc một lần bài này thôi nhưng đã hiểu ra rằng ngài chưa hiểu gì về ĐẠO PHẬT ..."(Unknown19:08 12 tháng 6, 2014.)
Tôi không dám nói là TG :ĐẶNG VĂN NHÂM Không hiểu Đạo Phật...! Nhưng với những gì Ông đã trình bày ở trên với sự so sánh hai Tư tưởng:"SO SÁNH THÍCH CA VÀ DIOGÈNE.." Thì là chưa thấu đáo...Rất còn hạn chế...!
- Tôi hy vọng Tg-ĐVN nên có sự Quán Chiếu Tư Duy sâu hơn về Tư Tưởng Triết lý Phật Giáo...!
- Thật ra Tôi tạm mượn Ngôn Từ để diễn nói hai từ " PHẬT GIÁO "
chứ Phật Giáo không phải như vậy...! Nhưng không thể nói khác hơn đành phải vận dụng Ngôn từ tiếng Việt mà trao đổi với:Tg-ĐVN. Bởi vì Căn cơ chủng tánh của Ông là như vậy, thì cái nhìn của Ông về Phật Giáo như vậy...! Cho nên với Tôi Ông không SAI ..Nhưng cũng chưa là ĐÚNG.. Nếu như Ông Tư Duy sâu một chút xíu nữa thì có lẽ: Ông không đưa lên Công chúng những nhận định cá nhân về Tư Tưởng Phật Giáo như trên. Đến đây Tôi có thể XIN LỖI ÔNG NÊN CẨN TRỌNG KHI NÓI VỀ PHẬT GIÁO...!